Cách phân biệt nguyên quán và quê quán dễ hiểu nhất

Nguyên quán và quê quán thường xuất hiện trong các loại giấy tờ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân… Tuy nhiên, phân biệt nguyên quán và quê quán thế nào thì không phải ai cũng biết.

1. Nguồn gốc của nguyên quán và quê quán

Bộ Công an sử dụng nguyên quán trong các giấy tờ về cư trú như Sổ hộ khẩu, Bản khai nhân khẩu, Giấy chuyển hộ khẩu… và chứng minh nhân dân. Còn quê quán được Bộ Tư pháp dùng trong Giấy khai sinh.

Tuy nhiên, ngay chính Bộ Công an cũng không có sự đồng nhất trong việc dùng 2 thuật ngữ này. Cụ thể,

Đối với sổ hộ khẩu:

Từ ngày 20/01/2011, Thông tư 52/2010/TT-BCA có hiệu lực, trên sổ hộ khẩu mục nguyên quán được thay bằng quê quán;

Từ ngày 28/10/2014, mục quê quán được đổi lại là nguyên quán theo Thông tư 36/2014/TT-BCA.

Đối với chứng minh nhân dân:

– Từ ngày 11/12/2007, Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/1999/NĐ-CP, trên mẫu chứng minh nhân dân (9 số) mới không còn ghi nguyên quán mà được thay bằng quê quán.

– Sau đó, chứng minh nhân dân 12 số (từ ngày 01/7/2012) và thẻ Căn cước công dân (từ ngày 01/01/2016) đều dùng là quê quán.

Cho tới nay nguyên quán và quê quán được dùng song song. Các loại biểu mẫu về cư trú vẫn sử dụng mục nguyên quán còn thẻ Căn cước công dân và giấy khai sinh thì dùng quê quán.

2. Phân biệt nguyên quán và quê quán

Định nghĩa

Căn cứ

Nguyên quán Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh.

Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.

Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại

điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA
Quê quán Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014

Theo đó, quê quán và nguyên quán đều được hiểu là “quê”, nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Tuy nhiên, nguyên quán và quê quán không giống nhau hoàn toàn.

Hiểu một cách đơn giản nhất, nguyên quán của một người được xác định căn cứ theo nguồn gốc, xuất xứ (nơi sinh) của ông bà nội hoặc ông bà ngoại.

Còn quê quán của một người thì xác định theo nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ.

Như vậy, nguyên quán được xác định sâu và xa hơn so với quê quán.

Cách phân biệt nguyên quán và quê quán dễ hiểu nhất (Ảnh minh họa)

3. Quê quán trong mọi giấy tờ phải giống với giấy khai sinh

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Căn cứ: Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP

Theo đó, quê quán trong mọi giấy tờ, hồ sơ cá nhân khác đều phải phù hợp với Giấy khai sinh.

Ví dụ như, quê quán trong lý lịch Đảng viên cũng phải giống với trong giấy khai sinh:

Quê quán: “Ghi theo quê quán trong giấy khai sinh (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay); trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ)…” (Hướng dẫn 09-HD/BTCTW).

4. Cách ghi quê quán trong giấy khai sinh 2020

Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch. Do đó, quê quán của người được khai sinh sẽ xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, quê quán ghi trong giấy khai sinh sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha mẹ hoặc theo tập quán.

Khi ghi quê quán trong Tờ khai đăng ký khai sinh của con, cha hoặc mẹ căn cứ vào các giấy tờ hộ tịch có ghi quê quán của mình để xác định quê quán của con.

Trường hợp đứa trẻ đươc sinh ra mà không xác định được cha hoặc mẹ, quê quán của đứa bé sẽ được xác định theo nơi sinh và được ghi nhận trong giấy khai sinh.

Lưu ý: Trường hợp đăng ký lại khai sinh, nếu địa danh hành chính đã có sự thay đổi so với địa danh ghi trong giấy tờ được cấp trước đây thì xác định và ghi theo địa danh hành chính hiện tại (khoản 2 Điều 10 Thông tư 15/2015/TT-BCA).

Theo Luật Việt Nam

NHÀ ĐẤT BÁN | CHO THUÊ NHÀ
Tìm kiếm bất động sản, nhà đất cần bán và cho thuê tại Mogi.vn
Chia sẻ