Lý do nhiều doanh nghiệp BĐS giải thể, chốt mức giá đất tại TP.HCM…là những nội dung chính trong điểm tin 48h của Mogi.
Nhiều công ty địa ốc đua nhau giải thể trong năm 2019. Theo số liệu mới công bố của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2019, bất động sản là ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4%.
Bình luận về tình hình này, chuyên gia kinh tế Sử Ngọc Khương cho rằng số lượng 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể nói trên chủ yếu là những công ty cung cấp dịch vụ môi giới.
“Nguyên nhân chính là trong năm qua, thị trường đã chứng kiến một sự thiếu hụt lớn về nguồn cung nên các doanh nghiệp này không có hàng để bán. Chính vì vậy, khi nói nhiều doanh nghiệp bất động sản “chết” trong năm 2019, cần phải nhìn nhận rằng chúng ta đang nói đến các công ty khởi nghiệp và các công ty môi giới nhà đất trên thị trường”, ông bình luận.
Doanh nghiệp bất động sản huy động số tiền “khủng” từ trái phiếu. Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 của SSI, tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành năm 2019 khoảng 106.000 tỉ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường.
Nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó các ngân hàng thương mại mua khoảng 19.000 tỉ đồng, các công ty chứng khoán mua 4.400 tỉ đồng, tổ chức nước ngoài mua 1.660 tỉ đồng các trái phiếu của Khang Điền, Phát Đạt, Đất Xanh. Còn lại được ghi chung chung dưới tên là “tổ chức trong nước” hoặc thiếu thông tin cụ thể.
Theo SSI, Ngân hàng Nhà nước đang định hướng giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thông qua điều chỉnh hệ số rủi ro để tính chỉ số CAR tại thông tư 22/2019/TT-NHNN nên kênh trái phiếu tất yếu sẽ được các doanh nghiệp bất động sản tìm đến.
Căn hộ hạng sang đang thống lĩnh thị trường. Theo báo Vnexpress, hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo tổng kết thị trường năm 2019 kèm cảnh báo về sự sụt giảm có hệ thống từ nguồn cung sản phẩm đến nguồn thu ngân sách.
Năm 2019, chỉ một dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án (tức giảm 92%) so với năm trước đó. Số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư còn 4, tức giảm 85%. Số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư là 16, giảm 80% so với 2018.
Mặt khác, sự hạn chế nguồn cung đã đẩy giá nhà tại TP HCM tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, thấp ở đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp ngày càng khó có nhà ở.
Choáng với mỗi m2 nhà phố tại TP.HCM. Theo báo Vnexpress, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố diễn biến thị trường bất động sản gắn liền với đất trong năm 2019 với đà tăng tiếp tục được xác lập. Trong 3 tháng cuối năm 2019, nhà liền thổ trong các dự án trên thị trường sơ cấp TP HCM ghi nhận giá bán 4.629 USD mỗi m2 đất, tức sắp cán mốc 110 triệu đồng, tăng gần 25% theo năm. Biến động giá khiêm tốn nhất tại các dự án hiện hữu khi chỉ tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý cuối cùng của năm 2019, nguồn cung chủ yếu đến từ những dự án mở bán mới có quy mô nhỏ, chỉ khoảng 50-100 căn cho một dự án. Nguồn cung hạn chế do việc trì hoãn trong quy trình xin giấy phép xây dựng và việc chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đủ điều kiện mở bán của các chủ đầu tư. Đây cũng là tình trạng chung của thị trường trong suốt năm 2019 nhưng dự kiến cải thiện trong năm 2020.
JLL dự báo, năm 2020 nguồn cung tương lai đến từ các dự án quy mô lớn tại quận 9, Thủ Đức và huyện Nhà Bè.
Mức giá cho thuê bất động sản tăng cao. Theo thống kê từ Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam về diễn biến thị trường bất động sản công nghiệp các tỉnh phía Nam (thuộc vùng TP HCM) trong 6 tháng cuối năm 2019 cho thấy mức giá thuê tiếp tục tăng cao.
Hiện giá thuê bình quân đất công nghiệp phía Nam đạt 101 USD mỗi m2 trên chu kỳ thuê, tăng 12,2% so 12 tháng qua.
Ghi nhận quý cuối năm 2019 dù nhu cầu tìm thuê khu công nghiệp các tỉnh phía Nam rất cao nhưng ghi nhận thực tế, bên cho thuê đất và bên đi thuê không đạt thỏa thuận thành công. Nguyên nhân là do giá đất đã tăng cao và do việc thiếu quỹ đất có sẵn để cho thuê ở một số thị trường. Tỷ lệ lấp đầy trung bình chỉ tăng nhẹ mặc dù có rất nhiều yêu cầu thuê đất, tuy nhiên, nhiều thỏa thuận trong số đó đã không thể chốt thành các giao dịch thành công trong quý vừa qua. Thiếu quỹ đất sẵn sàng cho thuê.
Cơ hội nào cho thị trường bất động sản năm 2020? Trong nhận định mới đây, HoREA đánh giá từ quý III/2020 trở đi, khi chính quyền TP HCM vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây. Năm 2020, thị trường ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. Nhưng trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp BĐS có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức.
Riêng BRE Việt Nam thì dự đoán năm 2020, vấn đề chậm cấp phép tiếp tục tác động lên nguồn cung chào bán. Thị trường kỳ vọng sẽ có thêm khoảng 30.000 căn hộ, tương đương năm trước. Giá sơ cấp dự kiến sẽ tiếp tục tăng, phân khúc hạng sang sẽ duy trì tốc độ tăng giá 10% theo năm do khan hiếm nguồn cung. Phân khúc cao cấp và trung cấp sẽ tăng chậm hơn, vào khoảng 5% còn căn hộ bình dân duy trì mức tăng giá 2% theo năm.
Công ty nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam cho rằng trong năm 2020, khoảng 30.000 – 35.000 căn hộ sẽ được mở bán, trong đó Vinhomes Grand Park tiếp tục là nguồn cung chính.
Truy tìm 4 đối tượng lừa bán hơn trăm dự án đất nền “ảo”. Ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Long An ra thông báo gửi công an các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và công an các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Long An truy tìm 4 đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh làm Chủ đầu tư.
4 đối tượng bị Công an Long An truy tìm gồm bà Nguyễn Kim Phượng (SN 1976) tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 129/30 Lô 2, cư xá Vĩnh Hội, Bến Vân Đồn, phường 9, quận 4, TP.HCM; bà Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1978) tại Tiền Giang, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ấp Thanh Hòa, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; ông Lê Hữu Hào (SN 1981) tại quận 1, TP.HCM, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ấp Lương Phú B xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và ông Nguyễn Phú Thuận (SN 1978) tại Tân Uyên, Bình Dương. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tổ 22, ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Tổng cộng đã có 118 lô đất nền không có trong dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường, chiếm đoạt tổng số tiền gần 58 tỷ đồng của người dân.
“Lộ” giá đất cao nhất tại TP.HCM. Trong cuộc họp bất thường vào sáng 15/1, thông qua tờ trình của UBND về giá đất đô thị đã quyết định giá đất tại TP.HCM cao nhất 162 triệu đồng, thấp nhất 1,5 triệu đồng mỗi m2.
Mức giá này không thay đổi so với giai đoạn 2014-2019. Đây là căn cứ để UBND thành phố ban hành quyết định bảng giá đất áp dụng trong 5 năm tới.
“Đây là lần đầu Nghị định của Chính phủ về khung giá đất cơ bản giữ nguyên khung giá của chu kỳ cũ. Việc này giúp giá đất giữ tính đảm bảo và hạn chế biến động bất thường”, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nói.
Mogi (tổng hợp)
NHÀ ĐẤT BÁN | CHO THUÊ NHÀ Tìm kiếm bất động sản, nhà đất cần bán và cho thuê tại Mogi.vn |