Giá đất TP.HCM tăng chóng mặt vì đâu? Đồng Nai hủy nhiều dự án…là những nội dung chính trong điểm tin 48h của Mogi.
Giá đất TP.HCM tăng chóng mặt, giới đầu tư “kẹp hàng”. Theo Nhịp Sống Kinh Tế, quận 12, Củ Chi (Tp.HCM) cách đây vài năm giá đất chỉ khoảng 7-15 triệu/m2 nhưng nay đã dao động từ 30 triệu -70 triệu/m2, thậm chí mặt tiền các tuyến đường lớn hiện đã lên đến 137 triệu – 150 triệu/m2.
Tương tự ở Quận 9 cũng ghi nhận mức giá tăng cao kỷ lục. Hiện nay, giá đất nền mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, Tp.HCM đang được rao bán vài trăm triệu một m2. Miếng đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, gần ngã tư Bình Thái có diện tích hơn 1.000 m2 được rao với giá 130 triệu đồng/m2. Người bán giới thiệu đất có sổ hồng, thuận tiện trong việc mở siêu thị, kinh doanh buôn bán.
Thêm một khu vực có mức giá tăng mạnh đó là Khu dân cư Trường Lưu (sát bên chợ Long Trường). Cách đây khoảng 5 năm giá đất ở chỉ vào khoảng 6-8 triệu/m2 thì nay đã tăng lên ít nhất là 40 triệu, cao nhất 65 triệu/m2 tùy vị trí cách xa mặt tiền đường lớn Nguyễn Duy Trinh bao xa. Nhờ giá đất tăng chóng mặt, nhiều người lãi đậm từ 2 tỷ – 4 tỷ sau ít năm mua đất để dành.
Tuy nhiên, dù giá đất tăng nhưng giới đầu tư vẫn gặp rắc rối khi không thể bán ra như mong muốn.
Hàng tram dự án “đóng băng”, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cầu cứu. Theo báo Vnexpress, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa trình Ban kinh tế Trung ương bản kiến nghị kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh.
Hiệp hội dẫn nguồn dữ liệu các dự án nhà ở trên đà sụt giảm những năm gần đây tại TP HCM. Từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng. Thêm vào đó, thành phố còn ghi nhận 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
Trong năm 2019, lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại, nhưng hầu hết vẫn chưa thể hoạt động.
Việc rà soát là cần thiết, nhằm phát triển thị trường minh bạch, bền vững do đây cũng là đợt sàng lọc để loại những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở đang sụt giảm mạnh ở ngưỡng báo động.
Năm 2019, toàn thành phố chỉ có một dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án, tương đương với tỷ lệ giảm 92%. Sài Gòn chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án, ứng với tỷ lệ giảm 85%. Thành phố cũng chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, giảm 80%. Có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 14,1% so với năm 2018.
HoREA cho biết, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bất động sản và các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Hàng trăm dự án nhà ở bị “đứng hình” và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Nhiều tay chơi mới ở thị trường văn phòng cho thuê. Theo dự đoán năm 2020, thị trường văn phòng cho thuê sẽ là kênh đầu tư lý tưởng. Chính điều này đã thúc đẩy có nhiều tay chơi mới. Công ty An Gia là một trong số đó. Trong báo cáo tài chính quý IV/2019, doanh nghiệp đề cập đến việc kinh doanh chuỗi văn phòng hạng B cho thuê và cho hay sẽ đẩy mạnh kênh đầu tư này trong năm 2020. Khảo sát thực tế cho thấy, đơn vị này đã và đang khai thác cho thuê 6 toà tại các quận 1, 3, 5, Tân Bình và Phú Nhuận.
Công ty Đại Thắng hoạt động ở cả 2 thị trường bất động sản TP HCM và Đà Nẵng cũng vừa công bố cho thuê tòa nhà văn phòng mới tiêu chuẩn 3 sao.
Hàng loạt công ty cho thuê văn phòng cũng vừa xuất hiện gần đây như Viet Office, HPP Office, Sabay… Những đơn vị này đang nhắm đến đối tượng khách thuê là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), những đơn vị không đủ sức chi trả chi phí thuê văn phòng quá cao và vẫn không ngừng leo thang ở trung tâm thành phố.
Thị trường văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM “hot” nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo báo Vnexpress, báo cáo Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố cho hay, TP HCM, Hà Nội, Bang Kok, Manila cùng với Nhật, Australia, Ấn Độ đang nằm trong top đầu những thị trường văn phòng sinh lời nhất châu Á Thái Bình Dương năm 2019. Đây là những thị trường văn phòng dự kiến tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2020.
Tại Hà Nội, trong quý IV/2019, cả phân khúc văn phòng hạng A và B đều ghi nhận lượng hấp thụ ròng tăng cao cho thấy nguồn cầu của thị trường tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường tiếp tục tăng, đạt mức 93%, trong đó hạng A đạt mức 94%.
Trong thập niên tới, nhu cầu về văn phòng sẽ tiếp tục tăng mạnh 8-10% mỗi năm tại TP HCM và Hà Nội khi nền kinh tế phát triển. JLL đánh giá tỷ lệ dân số làm việc trong phân khúc dịch vụ sẽ tăng từ 30% lên 40% và tăng trưởng GDP hàng năm đạt 5,5-6%. Đây là cơ hội cho các nhà phát triển xây dựng nhiều không gian văn phòng hơn để phục vụ cho các công ty mới và nhu cầu mở rộng. Tuy nhiên, trên cơ sở khu vực, lợi nhuận trong năm 2020 được dự báo là thấp hơn so với năm 2019, vì tăng trưởng tiền thuê có thể chậm lại trong năm so với năm ngoái.
Đất vàng sẽ được TP.HCM đấu giá. Theo Tri Thức Trẻ, mới đây UBND TPHCM vừa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) lập thủ tục bán đấu giá 2 khu đất thương mại – dịch vụ có diện tích 1.802m2 (phía Bắc) và 2.464m2 (phía Nam) đã có hạ tầng.
Theo đó, phần đất công trình công cộng tại dự án Khu dân cư 13E, Khu chức năng 13, Đô thị mới Nam TPHCM, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM yêu cầu lập thủ tục bán đấu giá 2 khu đất thương mại – dịch vụ có diện tích 1.802m2 (phía Bắc) và 2.464m2 (phía Nam) đã có hạ tầng.
Trong khi đó, UBND huyện Bình Chánh còn được giao tham mưu việc sử dụng đối với khu đất nhà trẻ (5.258m2), khu đất trường tiểu học (13.608m2) và khu đất hành chính (1.044m2).
Đối với đất cây xanh cảnh quan – hồ điều tiết (49.709m2), trạm xử lý nước thải (2.000m2) và đất giao thông, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và bàn giao cho các cơ quan chuyên ngành quản lý.
580 dự án bị hủy bỏ tại Đồng Nai vì lý do “rùa bò”. UBND tỉnh Đồng Nai vừa hủy bỏ 580 dự án quá hạn 3 năm nhưng chưa được triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai. Trong số các dự án bị hủy bỏ có 487 dự án thuộc danh mục dự án có thực hiện thu hồi đất và 88 dự án chuyển mục đích sử dụng đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án. Với những dự án muốn được giao đất thì chủ đầu tư buộc phải ký quỹ đảm bảo.
Tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường kiên quyết xử lý triệt để tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.
Dự án còn trên giấy, đất vẫn “sốt”. Gần tuần nay, nhiều người từ khắp nơi đổ về huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) mua bán, thổi giá đất khi hay tin tập đoàn lớn sắp đầu tư dự án.
Khảo sát của VnExpress, giá đất ở xã Bình Ba nhảy vọt chủ yếu do người môi giới làm giá với nhau. Lúc chưa “sốt”, đất mặt tiền quốc lộ 56, mỗi mét ngang chỉ khoảng 200-300 triệu đồng, nay được đẩy lên 500-550 triệu đồng. Đất bên trong các khu dân cư, từ 40 triệu đồng được thổi gấp ba gấp bốn.
Ông Dương Thanh Vân, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức cho biết, số lượng hồ sơ về chuyển nhượng, các giao dịch về đất đai tại đây mấy ngày qua không tăng, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong văn bản phát đi ngày 12/2, UBND huyện Châu Đức khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo, không bị tác động bởi hiệu ứng đám đông, tham gia đầu cơ đất, có nguy cơ cao bị thiệt hại. “Mọi người nên đến các cơ quan chức năng tìm kiểu kỹ về tính pháp lý các khu đất, về quy hoạch sử dụng trước khi giao dịch”, ông Vân nói.
Mogi (tổng hợp)
NHÀ ĐẤT BÁN | CHO THUÊ NHÀ Tìm kiếm bất động sản, nhà đất cần bán và cho thuê tại Mogi.vn |