Điểm tin 48h: Chậm sổ đỏ phạt 1 tỷ đẩy mạnh thực hiện, giải cứu condotel

Các dự án chậm cấp sổ đỏ cho cư dân có thể bị phạt nặng. Ảnh minh họa.

Chậm sổ đỏ phạt 1 tỷ đẩy mạnh thực hiện, giải cứu condotel…là những nội dung chính trong điểm tin 48h của Mogi.

Chậm sổ đỏ phạt 1 tỷ được gấp rút đẩy mạnh thực hiện. Theo báo Tiền Phong, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý thông tin liên quan đến phản ánh của cơ quan báo chí về việc “Chậm làm sổ đỏ cho cư dân phạt 1 tỷ đồng: Còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?”

Theo phản ánh, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng quy định của Nghị định 91 xử lý khá nghiêm khắc các vi phạm để góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng với dự án bất động sản chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn việc chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng…

“Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin đến Bộ Tài nguyên và Môi trường xét xét, xử lý trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước”, văn bản nêu rõ.

Giá đất TP.HCM tăng chóng mặt, giới đầu tư “kẹp hàng”. Theo Nhịp Sống Kinh Tế, quận 12, Củ Chi (Tp.HCM) cách đây vài năm giá đất chỉ khoảng 7-15 triệu/m2 nhưng nay đã dao động từ 30 triệu -70 triệu/m2, thậm chí mặt tiền các tuyến đường lớn hiện đã lên đến 137 triệu – 150 triệu/m2.

Tương tự ở Quận 9 cũng ghi nhận mức giá tăng cao kỷ lục. Hiện nay, giá đất nền mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, Tp.HCM đang được rao bán vài trăm triệu một m2. Miếng đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, gần ngã tư Bình Thái có diện tích hơn 1.000 m2 được rao với giá 130 triệu đồng/m2. Người bán giới thiệu đất có sổ hồng, thuận tiện trong việc mở siêu thị, kinh doanh buôn bán.

Thêm một khu vực có mức giá tăng mạnh đó là Khu dân cư Trường Lưu (sát bên chợ Long Trường). Cách đây khoảng 5 năm giá đất ở chỉ vào khoảng 6-8 triệu/m2 thì nay đã tăng lên ít nhất là 40 triệu, cao nhất 65 triệu/m2 tùy vị trí cách xa mặt tiền đường lớn Nguyễn Duy Trinh bao xa. Nhờ giá đất tăng chóng mặt, nhiều người lãi đậm từ 2 tỷ – 4 tỷ sau ít năm mua đất để dành.

Tuy nhiên, dù giá đất tăng nhưng giới đầu tư vẫn gặp rắc rối khi không  thể bán ra như mong muốn.

Thị trường văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM “hot” nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo báo Vnexpress, báo cáo Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố cho hay, TP HCM, Hà Nội, Bang Kok, Manila cùng với Nhật, Australia, Ấn Độ đang nằm trong top đầu những thị trường văn phòng sinh lời nhất châu Á Thái Bình Dương năm 2019. Đây là những thị trường văn phòng dự kiến tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2020.

Tại Hà Nội, trong quý IV/2019, cả phân khúc văn phòng hạng A và B đều ghi nhận lượng hấp thụ ròng tăng cao cho thấy nguồn cầu của thị trường tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường tiếp tục tăng, đạt mức 93%, trong đó hạng A đạt mức 94%.

Trong thập niên tới, nhu cầu về văn phòng sẽ tiếp tục tăng mạnh 8-10% mỗi năm tại TP HCM và Hà Nội khi nền kinh tế phát triển. JLL đánh giá tỷ lệ dân số làm việc trong phân khúc dịch vụ sẽ tăng từ 30% lên 40% và tăng trưởng GDP hàng năm đạt 5,5-6%. Đây là cơ hội cho các nhà phát triển xây dựng nhiều không gian văn phòng hơn để phục vụ cho các công ty mới và nhu cầu mở rộng. Tuy nhiên, trên cơ sở khu vực, lợi nhuận trong năm 2020 được dự báo là thấp hơn so với năm 2019, vì tăng trưởng tiền thuê có thể chậm lại trong năm so với năm ngoái.

Đất vàng sẽ được TP.HCM đấu giá. Theo Tri Thức Trẻ, mới đây UBND TPHCM vừa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) lập thủ tục bán đấu giá 2 khu đất thương mại – dịch vụ có diện tích 1.802m2 (phía Bắc) và 2.464m2 (phía Nam) đã có hạ tầng.

Theo đó, phần đất công trình công cộng tại dự án Khu dân cư 13E, Khu chức năng 13, Đô thị mới Nam TPHCM, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM yêu cầu lập thủ tục bán đấu giá 2 khu đất thương mại – dịch vụ có diện tích 1.802m2 (phía Bắc) và 2.464m2 (phía Nam) đã có hạ tầng.

Trong khi đó, UBND huyện Bình Chánh còn được giao tham mưu việc sử dụng đối với khu đất nhà trẻ (5.258m2), khu đất trường tiểu học (13.608m2) và khu đất hành chính (1.044m2).

Đối với đất cây xanh cảnh quan – hồ điều tiết (49.709m2), trạm xử lý nước thải (2.000m2) và đất giao thông, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và bàn giao cho các cơ quan chuyên ngành quản lý.

580 dự án bị hủy bỏ tại Đồng Nai vì lý do “rùa bò”. UBND tỉnh Đồng Nai vừa hủy bỏ 580 dự án quá hạn 3 năm nhưng chưa được triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai. Trong số các dự án bị hủy bỏ có 487 dự án thuộc danh mục dự án có thực hiện thu hồi đất và 88 dự án chuyển mục đích sử dụng đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục rà soát xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án. Với những dự án muốn được giao đất thì chủ đầu tư buộc phải ký quỹ đảm bảo.

Tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường kiên quyết xử lý triệt để tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.

Dự án còn trên giấy, đất vẫn “sốt”. Gần tuần nay, nhiều người từ khắp nơi đổ về huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) mua bán, thổi giá đất khi hay tin tập đoàn lớn sắp đầu tư dự án.

Khảo sát của VnExpress, giá đất ở xã Bình Ba nhảy vọt chủ yếu do người môi giới làm giá với nhau. Lúc chưa “sốt”, đất mặt tiền quốc lộ 56, mỗi mét ngang chỉ khoảng 200-300 triệu đồng, nay được đẩy lên 500-550 triệu đồng. Đất bên trong các khu dân cư, từ 40 triệu đồng được thổi gấp ba gấp bốn.

Ông Dương Thanh Vân, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Đức cho biết, số lượng hồ sơ về chuyển nhượng, các giao dịch về đất đai tại đây mấy ngày qua không tăng, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong văn bản phát đi ngày 12/2, UBND huyện Châu Đức khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo, không bị tác động bởi hiệu ứng đám đông, tham gia đầu cơ đất, có nguy cơ cao bị thiệt hại. “Mọi người nên đến các cơ quan chức năng tìm kiểu kỹ về tính pháp lý các khu đất, về quy hoạch sử dụng trước khi giao dịch”, ông Vân nói.

Vân Đồn đề xuất dự án “cực lớn”. Theo báo Vnexpress, mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho doanh nghiệp nghiên cứu dự án tái hiện thương cảng Vân Đồn có diện tích hơn 470 ha.

Liên danh Công ty Liên Sơn và Công ty KDI vừa làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc đầu tư dự án Vega City Vân Đồn, thuộc địa bàn xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn.

Theo ý tưởng đề xuất của liên danh nhà đầu tư, đây là một dự án du lịch quy mô 473,99 ha, tái hiện lại thương cảng Vân Đồn nổi tiếng sầm uất trước đây. Khu vực triển khai dự án gồm diện tích đất liền, sình lầy, bãi cạn và mặt nước. So với dự kiến trước đó, lần này, nhà đầu tư đã nâng diện tích của dự án hơn 170 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến là 10.000 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục như công viên di sản, sân khấu trình diễn nghệ thuật thực cảnh, khu du lịch tâm linh, bảo tàng sinh thái biển, khu vui chơi giải trí, thể thao dưới nước và câu lạc bộ du thuyền… Đặc biệt, trong dự án sẽ có một khu vực tái hiện lại thương cảng cổ Vân Đồn, các khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ và hơn 100 biệt thự nổi trên biển….

Các cá nhân và tổ chức được cấp sổ đỏ tại Hà Nội. Theo báo Tiền Phong, Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong danh sách này, có 6 tổ chức là các công ty và 35 cá nhân nước ngoài đã được cấp chứng nhận sở hữu nhà tại một số chung cư trên địa bàn Hà Nội. Đa số các cá nhân là người Hàn Quốc.

Các chung cư có căn hộ đã được cấp giấy tờ sở hữu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gồm: Vinhomes Sky Lake, phường Mỹ Đình 1, Vinhomes Green Bay, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); tòa nhà Sapphire 1, Ruby 1 thuộc Dự án khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ tại số 136 Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm).

khu chung cư quốc tế Booyoung – Khu đô thị mới Mỗ Lao, tòa nhà CT01 – Khu nhà ở và trung tâm thương mại, phường Hà Cầu (quận Hà Đông); Vinhomes Metropolis (số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình); Eco Lakeview (số 32 Đại Từ, quận Hoàng Mai), nhà R5 – Vinhomes Royal City (số 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).

Các dự án condotel sẽ được giải cứu trong thời gian tới.

Condotel sẽ được “giải cứu” bằng sổ đỏ. Ngày 14/2, Bộ Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, bao gồm một số loại hình mới gồm căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)… Hướng dẫn này chi tiết về chế độ, thời hạn sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận, là cơ sở để các địa phương cấp chứng nhận pháp lý cho loại hình trên.

Về việc cấp sổ đỏ, Bộ Tài nguyên & Môi trường nêu rõ hiện đã có quy định. Theo đó, trong trường hợp các dự án có công trình đủ điều kiện được chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản, việc chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) quy định tại Điều 32 của Nghị định số 43/2014 và Nghị định số 01/2017 quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cũng được quy định đầy đủ tại các văn bản nói trên.

Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đề nghị các Sở rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích, thời hạn sử dụng đất theo quy định. Trường hợp đủ điều kiện cấp sổ giấy chứng nhận sẽ được cấp với điều kiện không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.

Sau khi bùng nổ từ năm 2016, condotel, officetel từng tạo nên các cơn sốt trên thị trường. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, vấn đề pháp lý mới được đề cập đến dù trên nhiều địa phương, sản phẩm này đã được bán và vận hành sôi động.

Mãi tới cuối năm 2019, Bộ Xây dựng mới ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn điều chỉnh sản phẩm căn hộ du lịch (condotel, officetel…) với sự có mặt của Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chung cư. Trên cơ sở này, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương “đã đủ điều kiện quản lý nhà chung cư”.

Mogi (tổng hợp)

NHÀ ĐẤT BÁN | CHO THUÊ NHÀ
Tìm kiếm bất động sản, nhà đất cần bán và cho thuê tại Mogi.vn
Chia sẻ