Thêm lãnh đạo công ty địa ốc bị bắt, triệu tập thêm nhiều sếp Alibaba…là những nội dung chính trong điểm tin 48h của Mogi.
Cựu lãnh đạo công ty Nam Thị bị bắt. Ngày 28-2, Cơ quan CSĐT – Công an TP HCM cho biết đã bắt tạm giam Vũ Bảo Trinh cùng hai nguyên lãnh đạo Công ty Bất động sản Nam Thị là Tô Văn Chí Tâm, Hoàng Thái Anh để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án này xảy ra tại dự án chung cư La Bonita (địa chỉ 6 – 8 đường Phạm Gia Trí (đường D2 cũ), phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM).
Công an TP HCM cho biết mặc dù Trinh không giữ vai trò gì trong Công ty Bất Động sản Nam Thị nhưng là người chỉ đạo toàn bộ màn lừa đảo. Tâm và Anh là những người trực tiếp ký hợp đồng để lừa đảo khách hàng.
Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Theo Tri Thức Trẻ, Toà án nhân dân TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị này nhận được đơn kêu cứu và tố cáo khẩn cấp của một số người dân về sai phạm tại Tổ hợp dự án Cocobay Đà Nẵng do Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (viết tắt là Công ty Thành Đô) có địa chỉ tại đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Toà án nhân dân TP.Đà Nẵng đã chuyển đơn của các ông, bà đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trước đó, đại diện hơn 450 chủ sở hữu căn hộ khách sạn (condotel) dự án Cocobay Đà Nẵng đã làm đơn kêu cứu và tố cáo những dấu hiệu lừa dối khách hàng về tính chất các sản phẩm động sản, chào bán và vi phạm luật kinh doanh bất động sản, thuế… của Công ty Thành Đô trong quá trình thực hiện dự án Cocobay Đà Nẵng dẫn tới tình trạng hàng ngàn chủ sở hữu không có khả năng vay trả tiền mua condotel.
Thứ nhất, khách hàng tố cáo Công ty Thành Đô ngang nhiên, đơn phương chấm dứt chi trả thu nhập cam kết, phá vỡ hợp đồng mua bán đã ký.
Thứ hai, tự ý thay đổi quy hoạch khi chưa có thoả thuận với khách hàng.
Thứ ba, công ty Thành Đô đơn phương đưa ra các thông báo với các phương án giải quyết gây thêm tổn thất về kinh tế và tinh thần cho khách hàng.
Thứ tư, vi phạm về thu tiền vượt quá quy định, sử dụng tiền ứng trước không đúng mục đích.
Thứ năm, tiến hành thu thuế sai quy định, chiếm dụng thuế của Nhà nước và chủ sở hữu Công ty Thành đô chậm bàn giao căn hộ.
Nhiều “sếp” địa ốc Alibaba tiếp tục bị triệu tập. Ngày 26-2, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đang mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba). Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết công an đã tiếp tục triệu tập hơn 13 cá nhân “có vai trò quan trọng” để lấy lời khai, làm rõ những hành vi liên quan đến hoạt động mua bán dự án “ma” tại Công ty Alibaba.
Thêm giám đốc bán dự án “ma” bị bắt. Ngày 23-2, Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt ông Trần Văn Hội (32 tuổi, quê Nam Định) để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Hội bị bắt khi đang lưu trú tại TP Đà Lạt.
Theo thông tin ban đầu, ông Hội là Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và địa ốc Hưng Phú Group (gọi tắt Công ty BĐS Hưng Phú, trụ sở tại số 273 Trần Hưng Đạo, phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa).
Các khách hàng đã đặt cọc từ 80%-90% theo hợp đồng và Công ty BĐS Hưng Phú cam kết sẽ giao giấy CNQSD đất cho khách hàng trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, đến thời hạn giao giấy CNQSD đất, Công ty BĐS Hưng Phú không thực hiện đúng cam kết, khách hàng mới biết DN này bán dự án “ma”.
Khách hàng đã gửi đơn đến Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu tố cáo ông Hội “vẽ” nhiều dự án trên giấy để lừa bán đất cho nhiều người với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Sau thời gian xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ, Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh đã bắt ông Trần Văn Hội. Được biết, thời điểm bị bắt, ông Hội đã thành lập một công ty mới tại TP Đà Lạt.
Lãnh đạo TP.HCM hẹn gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản. Theo báo Vnexpress, Ngày 22/2, tại buổi gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tiếp nhận bản kiến nghị dài 30 trang và mổ xẻ vấn đề ngay tại hội trường. Trong buổi tiếp xúc doanh nghiệp đầu năm, ông Phong khiển trách trực tiếp các sở ngành vì phối hợp lỏng lẻo khiến thủ tục kéo dài, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo thành phố chỉ đạo lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc các doanh nghiệp địa ốc hàng tuần, hạn chót là 30/4 phải dứt điểm.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Lê Hoàng Châu cho biết, 2 năm qua, những dự án vướng mắc pháp lý lên đến con số hàng trăm và tình hình thanh kiểm tra khiến hàng loạt dự án đứng hình. Ông Châu kiến nghị thành phố rút ngắn các thủ tục, trình tự phê duyệt dự án xuống còn 5 bước để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Mua nhà 10 năm vẫn “lặng câm” chưa nhận. Theo báo Tiền Phong, tại Dự án Usilk City (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội), khách hàng khổ sở với hành trình 10 năm đòi nhà của mình. Dự án do chủ đầu tư là Cty CP Sông Đà Thăng Long khởi công xây dựng từ tháng 8/2009. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa xây xong phần thô của nhiều tòa (CT3-106, 107, CT4-108, CT1-104,…).
Hàng trăm khách hàng là đối tác góp vốn, mua nhà nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng tố cáo chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, và yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền, hoặc trả nhà cho khách hàng, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Liên tiếp các cuộc căng băng rôn, diễu hành, chăng biểu ngữ trên phố đòi nhà của hàng nghìn người dân mua nhà tại dự án nhưng đều vô vọng.
Tương tự, 300 khách hàng bỏ hàng tỷ đồng mua căn hộ tại dự án chung cư Hattoco (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) nhưng 10 năm nay chưa thể nhận nhà. Được khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay, dự án Hattoco vẫn dang dở. Theo quan sát của phóng viên ngày 14/2, dự án mới xây dựng xong phần thô đến tầng 39. Việc dừng thi công trong suốt thời gian dài khiến sắt thép hoen gỉ, công trường không bóng công nhân.
Đáng nói ngay sau thời điểm khởi công không lâu, dự án được rao bán cho khách hàng. Mỗi khách hàng thường trả từ 50 đến 70% giá trị căn hộ. Vì vậy, việc chây ì không bàn giao nhà của chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng lâm vào cảnh khốn khổ vì mất tiền mà không có nhà ở.
30 dự án sai phạm ở Khánh Hòa bị rà soát. Theo báo Tiền Phong, HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức giám sát các dự án chậm `tiến độ, các dự án lấn biển, dự án đang trong giai đoạn xin điều chỉnh.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát, HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ “xoáy sâu” các nội dung về: Thủ tục pháp lý dự án, lý do các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ.
Ngoài ra, đoàn giám sát sẽ thu thập thông tin, phân tích lý do vì sao các dự án có căn cứ thu hồi nhưng nhiều năm vẫn không bị thu hồi; các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng thực tế vẫn chưa khắc phục hậu quả.
Theo ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa: “Các dự án khu vực này mà Ủy ban kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ đã thanh kiểm tra thì HĐND tỉnh sẽ không tổ chức giám sát nữa để tránh trùng lắp”.
Trong số 30 dự án được chọn giám sát đợt này có rất nhiều dự án ở khu vực núi Cô Tiên, phường Vĩnh Hòa. Các dự án này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch 1/500, thậm chí được cấp phép xây dựng nhưng lại chưa có quy hoạch tổng thể 1/2000 toàn khu.
65 căn hộ The Era Town được phát mãi “cực rẻ”. The Era Town có địa chỉ tại số 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Đây là tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Đức Khải.
Giá bán khởi điểm các căn hộ dao động từ 2,1 tỷ đồng đến 5,5 tỷ đồng, diện tích căn hộ từ 136 đến 368 m2, tương ứng giá khoảng 15,4 triệu đồng/m2. Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng chưa gồm 2% phí bảo trì.
Hạn cuối nộp hồ sơ là ngày 9/3. Khi nộp hồ sơ, người mua sẽ ký quỹ tối thiểu 10% giá khởi điểm đề nghị.
Ngân hàng lựa chọn người mua theo nguyên tắc giá chào mua cao nhất. Trong trường hợp có nhiều hồ sơ chào giá ngang nhau, ngân hàng sẽ chọn người mua nộp hồ sơ sớm nhất.
Những quy định bị xóa bỏ trong lĩnh vực bất động sản. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.
Theo đó, Nghị định 21 sẽ xóa bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng như: Bỏ quy định xử phạt 30 – 40 triệu đồng với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; Thẩm tra dự án đầu tư xây dựng.
Bỏ quy định xử phạt nhà thầu nước ngoài không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng (trước đây bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng).
Bỏ quy định xử phạt từ 20 – 40 triệu đồng với tổ chức lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng hoặc quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng không đảm bảo điều kiện năng lực quy định.
Bỏ quy định xử phạt đối với tổ chức hoạt động xây dựng không có hợp đồng lao động với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt; những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định (trước đây bị phạt 20 – 30 triệu đồng).
Bỏ quy định phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động xây dựng không đủ điều kiện theo quy định.
Bỏ quy định xử phạt từ 2 – 5 triệu đồng đối với đơn vị đào tạo hành nghề môi giới bất động sản sử dụng giảng viên không đủ tiêu chuẩn…
Cũng theo Nghị định 21, việc xử lý chuyển tiếp các hành vi vi phạm hành chính trên nếu xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực nhưng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà chưa thực hiện thì tiếp tục thực hiện theo quy định.
Đối với trường hợp các hành vi vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc được phát hiện sau ngày Nghị định này có hiệu lực thì không xử phạt vi phạm hành chính.
Mogi (tổng hợp)
NHÀ ĐẤT BÁN | CHO THUÊ NHÀ Tìm kiếm bất động sản, nhà đất cần bán và cho thuê tại Mogi.vn |